Thông Tin Về Nước Đức

Đức là quốc gia lớn thứ 5 châu Âu với tổng diện tích là 357.022 km2, tiếp giáp với Đan Mạch, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Áo, Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ, Luxembourg và Hà Lan. Nơi đây là một trong những nền kinh tế trụ cột của Liên minh châu Âu, được mệnh danh là “miền đất của cơ hội” khi sở hữu tỉ lệ việc làm của cư dân khá cao. Giáo dục đại học của Đức cũng thu hút sinh viên quốc tế nhờ vào chất lượng giáo dục cao và một số chính sách miễn học phí hoặc cấp học bổng.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã bầu chọn Đức là quốc gia dành cho giới trẻ tuyệt vời nhất thế giới năm 2016. Không chỉ sở hữu cuộc sống thú vị, Đức còn nằm trong nhóm các hệ thống giáo dục mạnh nhất toàn cầu, thu hút đông đảo sinh viên khắp thế giới tham gia nhập học mỗi năm. Theo UNESCO năm 2020, Đức xếp thứ 4 về số lượng sinh viên quốc tế đến học. Theo Institute of International Education năm ngoái, có hơn 324.000 sinh viên quốc tế du học Đức để trải nghiệm học vấn tại môi trường giáo dục đa văn hóa sôi động bậc nhất châu Âu.

Kinh tế

Đức là nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu và đứng thứ tư trên thế giới. Nhiều thương hiệu Đức nổi tiếng trên toàn cầu và trở thành nhà tiên phong đáng tin cậy ở nhiều lĩnh vực trên thị trường như BMW, Mercedes, Audi, Siemens, Bayer... Trình độ sản xuất cao và chất lượng hàng hóa của các sản phẩm “Sản xuất tại Đức” được người tiêu dùng khắp thế giới công nhận và tín nhiệm. Hầu hết mặt hàng xuất khẩu của Đức là sản phẩm trong các lĩnh vực kỹ thuật điện, cơ điện tử, máy móc hạng nặng, công nghiệp ô tô, công nghệ môi trường, dược phẩm, hóa chất… Khoa học, kỹ thuật, công nghệ cũng là thế mạnh đào tạo của Đức.

Với việc duy trì và mở rộng quan hệ thương mại khắp thế giới, các công ty Đức tăng cường tuyển dụng những chuyên gia quốc tế có trình độ cao. Điều này mở ra triển vọng và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên quốc tế du học và tốt nghiệp tại Đức.

Chính trị

Cộng hòa Liên bang Đức được thành lập năm 1949. Berlin được chọn làm thủ đô của Đức sau khi hai miền nước này thống nhất vào năm 1990. Đức được chia thành 16 bang. Mỗi bang có quyền tự do chính trị để đưa ra các quyết định riêng, ví dụ như trong các vấn đề văn hóa và giáo dục.

Khí hậu

Đức có khí hậu lục địa ôn hòa trong cả nước với mùa hè ấm áp và mùa đông lạnh giá, tuy nhiên rất hiếm khi xảy ra băng giá hoặc tuyết kéo dài. Mưa rơi quanh năm. Nhiệt độ ban ngày trung bình hàng tháng của tháng 1 là 3oC và vào tháng 7 là 22oC. Nhiệt độ cực đoan đôi khi lên tới -10oC vào mùa đông và 35oC vào những tháng hè.

Do có nhiều vùng núi và đồi khác nhau, sự thay đổi thời tiết diễn ra trên khắp nước Đức. Ngay cả trong bán kính 100 km, bạn có thể gặp sự khác biệt lớn về nhiệt độ và lượng mưa. Bất chấp sự khác biệt lớn về khí hậu mà bạn nhận thấy ở Đức, có một khoảng thời gian thường được xem là tốt nhất để du lịch. Đó là từ tháng 5 đến tháng 9.

Con người

Người Đức có xu hướng tiết kiệm, hợp lý và tôn trọng quyền riêng tư của nhau. Họ coi trọng các quan niệm về gia đình và cộng đồng, thường tôn trọng cấu trúc và luật lệ của xã hội. Không có nơi nào mà ý thức trật tự này rõ ràng hơn trong văn hóa kinh doanh của Đức. Người Đức chăm chỉ, có kỷ luật và hiệu quả, thường dành thời gian suy nghĩ khá thực tế về cách giải quyết một vấn đề. Họ cực kỳ đúng giờ, xem trọng truyền thống và có khả năng sáng tạo cao.

Trước những năm 1950, có rất ít dân tộc thiểu số ở Đức. Vào đầu thế kỷ 21, hơn 1/10 dân số Đức – khoảng 8 triệu người – không phải là người Đức. Chỉ riêng năm 2015, hơn 1 triệu người đã di cư đến đây. Cơ cấu dân số gồm: hơn 88% là người Đức, 3,4% người Thổ Nhĩ Kỳ, 1% người Ý, cộng đồng người Hy Lạp, Serb, Nga và khoảng 5,5% các dân tộc khác.

Tuổi thọ của người dân Đức – khoảng 75 tuổi với nam và 80 tuổi với nữ – thuộc hàng cao nhất thế giới. Đức có mật độ dân số cao so với hầu hết quốc gia châu Âu khác. Tuy nhiên đây lại là một trong những nước có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới. Để ngăn chặn tình trạng suy giảm dân số trong thời gian dài, Đức nỗ lực xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích gia tăng tỉ lệ sinh – đặc biệt bằng cách trợ cấp chăm sóc trẻ em, cung cấp phúc lợi và các ưu đãi thuế khác cho các gia đình.

Giao thông

Đức có mạng lưới giao thông và thông tin liên lạc dày đặc. Vị trí địa lý ở trung tâm châu Âu cũng khiến Đức trở thành một đầu mối quan trọng trong giao thông vận tải và thông tin liên lạc của khu vực. Đường thủy với nhân tố chính là sông Rhine và mạng lưới kênh đào, các cảng Hamburg, Weser và Emden; đường sắt hiện đại với tốc độ cao lên đến 250 km/giờ; đường cao tốc kết nối trực tiếp qua biên giới với hệ thống tương tự của Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Pháp và Áo; sân bay Frankfurt lớn nhất nước Đức là một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới

Phúc lợi và chăm sóc sức khỏe

Hệ thống phúc lợi xã hội của Đức là một trong những hệ thống công phu nhất và bao quát nhất thế giới. Tiên phong trong việc thiết lập các phúc lợi xã hội, đế quốc Đức vào những năm 1880 đã trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp bảo hiểm y tế và tai nạn, phúc lợi và lương hưu cho công nhân và nhân viên cũng như bảo hiểm cho thợ mỏ. Hệ thống phúc lợi của Đức đã từng là hình mẫu ở các nước khác.

Đức cũng cung cấp một số hệ thống bảo hiểm đặc biệt như góa phụ chiến tranh, trẻ mồ côi và nông dân. Bảo hiểm thất nghiệp được tài trợ thông qua các khoản khấu trừ từ tiền lương và tiền công. Trợ cấp được thực hiện cho các gia đình có một hoặc nhiều con. Phụ cấp công cộng được cấp cho những người bị tàn tật do thương tật thời chiến, cho dù là quân nhân hay dân thường.

Vào cuối thế kỷ 20, khoảng 9/10 dân số Đức được bảo hiểm y tế theo luật định (công) và quốc gia này được xếp hạng trong số những quốc gia có tỉ lệ cao nhất thế giới về chi phí chăm sóc sức khỏe do chính phủ chi trả – khoảng 90% tất cả các chi phí phát sinh. Những cải cách vào đầu thế kỷ 21 đã khiến bảo hiểm y tế trở nên bắt buộc đối với tất cả những người sống ở Đức. Dịch vụ chăm sóc y tế ở Đức rất tuyệt vời, ngay cả những vùng nông thôn cũng được phục vụ tốt.

Việc làm

Cơ hội việc làm tại Đức trong và sau quá trình học là một trong những lý do thu hút sinh viên quốc tế đến nước này học tập.

Sinh viên quốc tế du học Đức được phép làm thêm tối đa 120 ngày một năm. Sinh viên có thể liên hệ bộ phận dịch vụ sinh viên của trường đại học hoặc cơ quan việc làm ở địa phương để được hỗ trợ thông tin việc làm. Có nhiều công việc bán thời gian cho sinh viên. Tuy nhiên, bạn nên tìm một công việc liên quan đến ngành học của mình. Ví dụ, sinh viên chuyên ngành hóa học có thể làm nhân viên tại phòng thí nghiệm của trường. Các trường đại học Đức cũng cung cấp nhiều vị trí việc làm bán thời gian cho sinh viên như: gia sư, trợ lý học tập, nhân viên hành chính… Công việc bán thời gian bên ngoài trường học phổ biến với sinh viên như: giao báo, phục vụ bàn, pha chế, trông trẻ, nhân viên bán vé tại các địa điểm văn hóa – giải trí… Nếu bạn kiếm được hơn 450 EUR/tháng từ công việc bán thời gian, bạn phải đóng thuế.

Đức có nền kinh tế phát triển sôi động, là nơi đặt trụ sở của hàng ngàn công ty ở nhiều ngành nên cơ hội việc làm rất dồi dào với sinh viên tốt nghiệp đại học có chuyên môn và kỹ năng tốt. Sinh viên các nước ngoài EU có thể làm việc tại Đức bằng cách gia hạn giấy phép cư trú lên đến 18 tháng sau khi tốt nghiệp. Trong thời gian này, nếu tìm được công việc với hợp đồng lao động tối thiểu 1 năm, bạn có thể nộp đơn xin giấy phép cư trú có thời hạn 4 năm.

Cơ hội việc làm – bán thời gian hay toàn thời gian – rộng mở hơn với người có trình độ tiếng Đức.

Xem thêm

Lộ Trình Du Học Đức Cho Người Mới Bắt Đầu

Các trường tại Đức đang cung cấp cả chương trình giảng dạy bằng tiếng Đức …